Thứ Sáu, tháng 6 22, 2007

Làm Bia Truyền thống Doanh trại

Chuyến thăm doanh trại Hưng Hoá hôm Thứ Bẩy vừa rồi của Tuấn hủi, Thắng tai voi, ... đã sinh ra một chuyện là Trường tham gia nội dung cho Bia Truyền thống Doanh trại. Hình như có chuyện địa phương muốn thu hồi đất để làm khu đô thị. Đơn vị muốn làm thêm một "bùa" để neo cho vững.
Sáng nay Tuấn hủi giấu mặt, cử Hữu Thành đến ngồi với Lê Bình, Việt Dũng k5, Thắng híp k6 ở quán bún cá để bàn về chuyện này. Cuối cùng chỉ thoả thuận được một việc là Tuấn hủi sẽ bố trí làm việc với Lữ công binh vào một ngày làm việc, đại diện 3 khoá đã từng ở Hưng Hoá lên để gặp họ. Có mấy "quán triệt":

1. Việc làm bia là của đơn vị, nội dung họ đã chuẩn bị kể từ thời Lý Nam Đế, ... đến nay. Mình chỉ giúp họ phần liên quan tới mình trong thời gian 9/1968-6/1970.

2. Không biết việc này họ có tính không, nhưng nếu họ coi trọng truyền thống doanh trại thì mình cũng có thể/nên cung cấp cho họ tên/số lượng một số các anh em từng sống ở đấy đã có đóng góp lớn (hơn một chút so với các anh em khác) cho đất nước (các anh hùng, liệt sĩ, cán bộ cao cấp, học vị học hàm, ...).

Mong anh em (kể cả các khoá không ở Hưng Hoá) góp ý thêm về việc này. Dù việc làm bia với động cơ nào thì cũng không làm ảnh hưởng đến nội dung mà nó truyền đạt, là mảnh đất ấy thực sự đã cưu mang anh em ta, và anh em ta cũng góp vẻ vang vào truyền thống của mảnh đất đó.

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Theo tôi nên ghi thế này cho đủ:
Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (TCCT, QĐNDVN) thành lập ngày 15/10/1965, theo quyết định 171/QĐQP của Bộ Quốc phòng. Từ tháng 8/1968 đến tháng 6/1970, Phân hiệu cấp III của trường về tiếp quản doanh trại của Đoàn công binh Sông Thao.
Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi với 8 khoá đào tạo và 1200 học sinh, sau khi tốt nghiệp, lần lượt nhập ngũ. Hơn 800 học sinh của trường trở thành sĩ quan, trong đó gần 1000 học sinh có trình độ đại học (kĩ sư, bác sĩ, cử nhân) và trên 100 tiến sĩ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc có 2 thầy giáo và 27 học sinh - tuổi đời mới mười tám, đôi mươi - anh dũng hy sinh. Trong đó, liệt sĩ Huỳnh Kim Trung được truy tặng danh hiệu AHLLVT.
Đầu thế kỷ XX, trong số 1200 cựu học sinh nhà trường có nhiều cán bộ trung-cao cấp, đảm đương nhiều chức vụ quan trọng (quân binh chủng, quân khu, quân đoàn, hay các cục, vụ, viện...). Trong số đó có 7 thiếu tướng, 3 thứ trưởng, 1 bộ trưởng là uỷ viên Trung ương Đảng.
Kiến Quốc

HữuThành.Nguyễn nói...

Ghi lên bia thì chắc là chỉ 1, 2 dòng đẩu thôi. Còn phần sau thì để vào truyền thống.
Nhưng nếu truyền thống là người thật việc thật một cách cụ thể thì không phải là tất cả như thế.
Có thể phần chung như K.Quốc nêu, nhưng phần riêng lại là một số trong đó. Như thế mới là "thật".

Nặc danh nói...

Nhất trí với HThành:
1. Nội dung văn bia: chỉ ghi lại "Trường TSQ NVT (quyết định số... ngày... thuộc TCCT, QDNDVN) đã đóng quân ở đây từ tháng 8/1968 đến 6/1970.
2. Trong nhà truyền thống thì chi tiết hơn.
KQuốc

VNQ nói...

Nên kết hợp với Sơn "béo" K6,hiện là Cục trưởng Cục Kỹ thuật, Binh chủng Công binh, cấp trên trực tiếp(nghành dọc) về kỹ thuật của các đoàn công binh trong binh chủng,để đạt hiệu quả hơn.

Nặc danh nói...

Một chút về trung đoàn công binh có doanh trại ở Hưng hoá:
Các anh có tài liệu khẳng định họ là trung đoàn (hoặc đoàn) Sông thao thì chắc chắn là trúng rồi, tuy nhiên:
Tôi còn nhớ (một trí nhớ không đáng tin), rằng hồi mới về Hưng hóa, trường Trỗi có giao lưu với anh em chiến sĩ bên công binh. Bên "ta" hát bài "trường Trỗi ca", bên "địch" hát bài truyền thống trung đoàn. Lời hát bắt đầu như sau:
Trung đoàn ta,
trung đoàn hai trăm ba tám,
hai trăm ba tám,
tay trai Yên thế...
(tôi có thể hát được, tuy nhiên phần tiếp theo của bài hát thì tôi quên mất rồi).
Bài này hát lên nghe ngang phè làm một số chú bên "ta" lăn đùng ra ... cười (xin lỗi các anh bên công binh, bài tự sáng tác thường là vậy, cây nhà lá vườn mà), thành thử tôi mới nhớ, chứ nếu hay thì chắc tôi quên rồi.
Vậy có hai "hướng lựa chọn":
Hoặc hồi xưa (ví dụ hồi chiến dịch biên giới 1950) họ là trung đoàn mang tên Yên thế, sau này đổi thành Sông thao (nhưng nội dung bài hát truyền thống không thay đổi);
Hoặc Yên thế là nơi mà trung đoàn Sông thao đã chiêu binh mãi mã, tích thảo tồn lương, dựng cờ đào khởi nghĩa.
HCQuang

HữuThành.Nguyễn nói...

Cái này thì Chí Quang lại có vẻ nhớ kinh nhỉ. Tôi chỉ nhớ có các đ/c công binh ... chăn bò. Bọn nghịch ở khoá mình ngoài chuyện dùng súng cao su bắn thủng bát sắt của anh em còn rình bắn c.. bò. Bậy quá!

TranKienQuoc nói...

Tôi còn nhớ trong đàn bò 40-50 con của Trung đoàn Công binh có một chú bê con "lai Tây", da vàng, lông mi cong, mắt màu vàng hay đỏ gi đấy. Chú rất ngoan và hay tung tăng giữa đàn. Bò thả trong doanh trại nên không cần chuồng. Chúng cứ lang thang khắp nơi ăn cỏ, sau lại kéo về khu nhà để xe máy. Nhiều đêm trăng sáng đi tuần thấy các chú lốc cốc kéo nhau đi cả đàn.
Trong chúng ta có anh đã thử tập cưỡi bò. Nhưng không đúng kỹ thuật đã làm chú hốt hoảng phóng nhanh, hất tung "nài bò" xuống đất.
Có một lần không hiểu ai trong chúng ta đã lấy lê đâm vào mông một chú bò. Sáng ra đi vệ sinh trông thấy chú đầm đìa máu ở vết thương. Rất tội! Anh em ta ngày đó quá là nghịch!

Nặc danh nói...

Chú bò bị 1 nhát lê (hoặc dao găm lá lúa) vào mông là "chiến tích" của Hoàng Ngọc Dũng K4. NgDũng ơi, xin lỗi nhé, mình không có ý méch thầy về lỗi của bạn, nhưng anh em thắc mắc về chuyện tày trời này, nên mình đành phải tiết lộ thôi. Chuyện giữ kín 38 năm rồi chứ ít gì đâu, hôm nay có bị lộ thì bạn sẽ không bị thầy Bân gọi ra trước hàng quân, nhận "án" cảnh cáo vào sáng thứ hai hàng tuần đâu. Đừng sợ, bọn mình luôn ở bên bạn.
HCQuang